Tin tức

LÝ SƠN NGÀY MỚI

Được viết bởi Thiên Bút Network
Bến cảng Sa Kỳ vào những ngày đầu tháng 7 này tấp nập du khách lên tàu ra đảo để tham quan và dự giải Marathon quốc gia năm 2020. Từ trên tàu nhìn ra đảo Lý Sơn giống như một “chiến hạm” sừng sững neo giữa trùng khơi. Sau gần một giờ vượt sóng, con tàu du lịch đã cập bến. Ði trên đảo, tôi thấy cờ đỏ sao vàng rợp bóng chào đón giải Marathon. Trên những con đường vừa nâng cấp và nhiều ngôi nhà, khách sạn, trường học mới xây khang trang. Và bến cá, đê biển, cầu cảng được xây dựng mới, góp phần làm bừng sáng cuộc sống người dân nơi biển, đảo.

Ngư dân bám biển, giữ đảo yên bình



Hòn Ré (cù lao Ré) nay là huyện đảo Lý Sơn, nằm phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, và hiện nay thực hiện chính quyền một cấp (bỏ cấp xã). Ðảo có diện tích tự nhiên gần 10,39 km2, dân số hơn 22,1 nghìn người (hơn 65% số dân sống bằng nghề biển, 20% nghề nông và 15% làm dịch vụ, buôn bán). Người dân trên đảo bây giờ vẫn không quên những gì trước đây cha, ông đã dày công dựng xây đảo Lý Sơn và Hoàng Sa. Lý Sơn hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Ðặc sắc nhất vẫn là di tích ghi dấu mốc một thời bi hùng của Ðội quân Hoàng Sa từ Lý Sơn ra đi trấn ải nơi đảo Hoàng Sa. Tiến sĩ Nguyễn Ðăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi khẳng định: Nhân dân trên đảo Lý Sơn luôn ý thức và phát huy truyền thống cha, ông, thường xuyên bám biển khai thác hải sản và giữ đảo bình yên. Nhiều gia đình trên đảo hiện vẫn còn lưu giữ những tài liệu quý giá phản ảnh sự hình thành và hoạt động của Ðội hắc hải Hoàng Sa đời nhà Nguyễn (từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19). Theo sách sử ghi chép lại thì Ðội quân này do các đội trưởng Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật và Võ Văn Khiết-người ở làng An Vĩnh chỉ huy đi khai thác sản vật và bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nhiều người trong Ðội hắc hải Hoàng Sa ngày ấy đã vĩnh viễn nằm lại trên đảo Hoàng Sa, được Tổ quốc mãi mãi ghi công và nhân dân tưởng nhớ. 

Đình làng -nơi ngư dân Lý Sơn đến cầu an,
mong năm mới tôm, cá đầy khoan
Theo Tiến sĩ Vũ, hiện nay dinh thờ đội trưởng Ðội Hoàng Sa Võ Văn Khiết đã được tỉnh công nhận di tích lịch sử văn hóa. Còn di tích tiêu biểu hiện nay là ‘Âm Linh Tự’ đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử quốc gia. Hằng năm, bà con trên đảo tổ chức lễ ‘khao lề thế lính Hoàng Sa và có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, đua thuyền để tưởng nhớ linh hồn lính Hoàng Sa đã hy sinh trên vùng biển của Tổ quốc thân yêu. Nơi đây, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng tượng đài Hoàng Sa rất uy nghi-một biểu tượng hùng hồn của đội quân Hoàng Sa năm xưa đã tiến ra Biển Ðông để bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc Việt Nam…

Lý Sơn – đảo tiền tiêu bốn mùa sóng gió. Ðảo gánh trên vai hai nhiệm vụ lớn là phát triển kinh tế gắn với xây dựng an ninh, quốc phòng vững chắc. Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt cho biết: Nhìn về tổng quan, Lý Sơn đang là một địa bàn chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng và tiềm năng kinh tế biển, đảo. Gần đây, huyện đã phát huy nội lực, tập trung phát triển kinh tế-xã hội theo các mũi đột phá có hiệu quả. Ðặc biệt, kinh tế biển chiếm ưu thế trên đảo. Nhiều ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng mới tàu lớn với đội tàu đã tăng liên tục hằng năm. Ðảo hiện có khoảng 500 chiếc tàu, thuyền, với tổng công suất gần 35 nghìn mã lực và sản lượng khai thác hằng năm đạt khoảng 35 nghìn tấn hải sản các loại. Nơi vùng biển, đảo Hoàng Sa, vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam được nhân dân Lý Sơn bất chấp hiểm nguy, thường xuyên đưa đội tàu ra vừa khai thác hải sản vừa khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Gần đây, nhiều đội tàu đánh cá của ngư dân Lý Sơn khai thác hải sản trên vùng biển Hoàng Sa đã bị tàu nước ngoài bắt giữ trái phép, hành hung ngư dân và thu tài sản, hải sản khai thác được. Ngư dân Lý Sơn đã hình thành những tổ, đội đánh bắt xa bờ với hàng trăm chiếc tàu, kiên cường ra khơi bám biển khai thác hải sản, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Nhiều ngư dân trên đảo Lý Sơn khẳng định: Nghề lặn bắt hải sâm có thu nhập cao hơn gấp 2,5 lần so với đánh bắt hải sản khác. Bình quân mỗi thuyền đi khai thác hải sâm có từ 10 đến 14 người. Sau mỗi chuyến ra khơi từ 30 đến 45 ngày, thu về vài trăm triệu đến cả tỷ đồng là bình thường. Riêng từ đầu năm đến nay, nhiều phương tiện chuyên làm nghề lặn hải sâm ở Lý Sơn cũng đã trở về, với số tiền bán hải sâm đã thu về hàng trăm triệu đồng. Riêng tàu của chủ tàu Lê Túc từ vùng biển Hoàng Sa trở về sáng nay sau chuyến biển kéo dài một tháng cũng đã đạt doanh thu cao từ bán hải sâm với hàng tỷ đồng…

Cảng cá Lý Sơn sáng nay trong nắng ấm ban mai, những con tàu cập bến tấp nập. Người mua, người bán rộn ràng. Dân ở đảo rất mến khách. Bạn đến nhà thăm chơi, giá nào cũng phải tìm bằng được loại hải sản quý để đãi. Chủ nhà Nguyễn Văn Út, ở thôn Tây, xã An Vĩnh đưa chúng tôi về nhà đãi bữa ốc và cá đáng nhớ. Cá ở đây mới vớt lưới lên, rất tươi. Cá cho vào nồi nước đang sôi, vài phút cho ra đĩa chấm với nước mắm nhĩ, nhâm nhi với ly rượu dầm hải sâm thật tuyệt…

Nổi tiếng đảo tỏi

Mùa thu hoạch tỏi ở Lý Sơn.

Từ lâu, người dân đảo Lý Sơn đã nổi tiếng về nghề trồng hành, tỏi. Tỏi Lý Sơn có mùi cay nồng khác biệt. Chính nhờ đó, nông dân trồng tỏi ở đây đã xây dựng được thương hiệu tỏi Lý Sơn không những có tiếng trong nước mà cả nước ngoài. Nhiều nước hằng năm đã nhập sản phẩm tỏi Lý Sơn với sản lượng lớn. Tỏi Lý Sơn không những dùng làm gia vị, mà còn là vị thuốc nam quý hiếm. Ngày xưa người ta thường để dành tỏi, hành trong nhà, một khi có người bị u nhọt, rắn, rết cắn thì giã thật nhuyễn cho ít rượu đắp lên vết sưng thì khỏi ngay. Ngày nay, y học cũng khẳng định, tỏi còn dùng để ngâm rượu, pha chế trị bệnh tim, mạch, thấp khớp. Nhiều người hiện nay ngâm rượu tỏi để uống trị nhiều bệnh có hiệu quả…

Nông dân Lý Sơn thu hoạch hành.
Nông dân đảo Lý Sơn hằng năm sản xuất khoảng 500 ha hành, tỏi với sản lượng hơn 4.100 tấn. Ðây là một trong những nguồn sống chính của bà con ở đảo. Một nông dân ở trên đảo đã có nhiều kinh nghiệm trồng tỏi tâm sự: Cái nghề trồng tỏi thấy thì đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được. Trồng tỏi thì dễ, nhưng để trở thành thương hiệu tỏi Lý Sơn thì không dễ tí nào. Cái tính nết, đặc trưng của cây tỏi không chỉ tính bằng thời vụ mà còn am hiểu về kinh nghiệm, mới có năng suất cao và bảo đảm giữ được hương vị đặc trưng của tỏi Lý Sơn. Cách trồng tỏi ở đây phải dựa vào yếu tố thời tiết hằng năm. Mà thời tiết thì luôn thay đổi và rất khắc nghiệt đối với vùng đảo. Theo kinh nghiệm của nông dân trên đảo là sau mỗi vụ thu hoạch phải thay đất, thay cát rồi mới xuống giống. Giờ đây nhiều gia đình ở đảo có nhà xây, xe máy và đời sống ổn định cũng nhờ sản xuất tỏi, hành. Dù giá cả thị trường luôn biến động, mùa tỏi năm nay được mùa, hầu hết người dân đảo Lý Sơn đều giữ vững cây truyền thống và ngày càng mở rộng diện tích sản xuất cây tỏi với năng suất và sản lượng ngày càng cao.

Ðầu tư hạ tầng, phát triển du lịch


Cung đường Marathon năm 2020 ở Lý Sơn.
Vài năm trở lại đây, nhiều công trình dự án thuộc chương trình Biển Ðông, hải đảo phục vụ dân sinh được Nhà nước đầu tư xây dựng trên đảo Lý Sơn, trong đó có hàng chục công trình đã và đang từng bước phát huy có hiệu quả. Dự án xây dựng tuyến kè chắn sóng đông nam đảo Lý Sơn có chiều dài gần sáu nghìn mét, được đầu tư xây dựng với hàng trăm tỷ đồng. Sau nhiều năm triển khai thi công, hiện nay các gói thầu của công trình đã hoàn thành, giúp địa phương nhanh chóng phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời chống sạt lở, xói mòn tuyến ven biển quanh đảo. Ông Trần Hùng, 50 tuổi, một người dân sống ven tuyến bờ biển vui mừng nói: Ba năm nay, từ khi có tuyến kè chắn sóng chạy ngang qua xóm, người dân chúng tôi không còn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi triều cường hoặc khi mùa mưa bão về. Từ khi tuyến kè này đưa vào sử dụng đã hình thành tuyến hành lang giao thông ven biển quan trọng, phục vụ việc đi lại thuận tiện cho người dân. Dự án vũng neo trú tàu thuyền An Hải cũng là công trình đã và đang phát huy hiệu quả trong việc tạo điều kiện giúp người dân phát triển kinh tế. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, vũng neo trú tàu thuyền An Hải đã thật sự trở thành bến đậu an toàn cho hàng trăm tàu cá của ngư dân địa phương vào mùa mưa, bão.

Hàng năm, hàng trăm tàu cá của ngư dân địa phương đã thoát nạn khi vào neo trú tại đây để tránh bão. Vũng neo trú tàu thuyền cũng trở thành cảng giao thông vận tải quan trọng nối đảo Lý Sơn với cảng Sa Kỳ và ngược lại. Hằng ngày, vũng neo trú tàu thuyền đã tiếp nhận hàng chục lượt tàu vận tải, tàu chở khách, cùng hàng trăm phương tiện tàu cá của ngư dân ra vào neo đậu để sửa chữa, tiếp nhiên liệu cùng ngư lưới cụ. Tại đây đã hình thành nhiều cơ sở  dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ kịp thời cho tàu ra khơi bám biển. Ngư dân Hàn Minh Trọng cho biết: Từ khi đi vào hoạt động đến nay, vũng neo trú tàu thuyền An Hải đã phát huy hiệu quả trong việc giúp bà con ngư dân chúng tôi phát triển kinh tế. Hàng trăm tàu cá của ngư dân địa phương đã có nơi neo đậu, trú bão an toàn. Hàng chục phương tiện bảo đảm trung chuyển hàng hóa, hành khách và các tua du lịch ra đảo, về đất liền. Chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành cần sớm triển khai dự án mở rộng luồng lạch cho tàu thuyền có trọng tải lớn ra vào neo đậu thường xuyên, giúp người dân địa phương thuận lợi trong việc phát triển kinh tế biển.

Một số công trình trọng điểm của huyện đảo Lý Sơn hiện đang được đầu tư xây dựng sẽ góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người dân đang sinh sống trên đảo. Chủ tịch UBND huyện đảo nhấn mạnh, gần đây, huyện Lý Sơn đã triển khai xây dựng xong một số công trình trọng điểm trên đảo. Huyện sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, giải phóng mặt bằng, các chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư để triển khai xây dựng hoàn thành sớm các hạng mục công trình đang thi công dở dang trước mùa mưa bão sắp tới…

Ðảo Lý Sơn thu hút rất đông khách du lịch. Ðảo có gần 100 di tích với một quần thể các đền, chùa, miếu mạo. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, song hầu hết các di tích của Lý Sơn còn nguyên vẹn, ít bị xâm hại như: chùa Hang, chùa Ðục, đình làng Lý Hải, quần thể di tích Âm Linh Tự, Nghĩa trang lính Hoàng Sa, núi Thới Lới trên đảo Lớn. Nhiều di tích lịch sử văn hóa đang được các nhà khảo cổ học trong nước và nước ngoài quan tâm nghiên cứu. Huyện đầu tư mua tàu, mở tuyến du lịch, năm qua đã phục vụ cho hàng nghìn du khách đến tham quan, tìm hiểu những nét độc đáo trên vùng biển, đảo này.

Ðảo Lý sơn đang dần thay da đổi thịt. Cái gốc vẫn là lo cho dân “ăn no, mặc ấm”. Huyện đã thực hiện giảm dần các hộ nghèo; chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng và người già neo đơn có cuộc sống ổn định. Nhiều gia đình trên đảo đã có cuộc sống sung túc hơn. Các công trình phúc lợi được Nhà nước đầu tư xây dựng mọc lên nhanh chóng, phục vụ thiết thực cho người dân. Cuộc sống mới, ngày mới nơi biển, đảo thân yêu của Tổ quốc đang bừng sáng!

Một phóng sự của Minh Trí.


Một số ảnh tiêu biểu trên đảo Lý Sơn:

Chùa hang Lý Sơn.

Du khách và người dân xem đua thuyền ở Lý Sơn.

Đua thuyền trên đảo Lý Sơn.
Lễ Kao lề thế lính Hoàng Sa.

Lễ Kao lề thế lính Hoàng Sa.
Nghi thức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn.

Mùa cá nục ở Lý Sơn.



Ngư dân Lý Sơn được mùa cá cơm.

Ngày vui trên ruộng tỏi.

Niềm vui được mùa tỏi của nông dân Lý Sơn.




Thông tin về các Tác giả

Thiên Bút Network

Thiên Bút Network là blog cá nhân, nơi chia sẻ những thủ thuật, kiến thức mà mình hiểu và tìm hiểu. Hy vọng, nó sẽ giúp ích cho mọi người.

1 Bình luận

Để lại một bình luận